Hình ảnh

Những khó khăn tân sinh viên nhất định sẽ gặp phải

     Ai cũng sẽ phải trải qua quãng thời gian này. Đó là khoảng thời gian nếu chỉ quanh quẩn ở trong phòng trọ thì chúng ta mãi không trưởng thành được, mà ra ngoài khám phá thì chỉ sợ non nớt mà thiệt thân. Để tránh khỏi tình trạng đó, những tân sinh viên cần biết trước những khó khăn mà mình phải đối mặt, để biết đường tránh hoặc có những giải pháp nhất định để giải quyết nếu trường hợp đó xảy ra.

Sinh viên HUFI hỗ trợ, hướng dẫn tân sinh viên tìm phòng trọ uy tín, chỗ ở tại ký túc xá khi vào thành phố nhập học.
Sinh viên HUFI hỗ trợ, hướng dẫn tân sinh viên tìm phòng trọ uy tín, chỗ ở tại ký túc xá khi vào thành phố nhập học.

1. NHỚ NHÀ

    Với hầu hết sinh viên, đây là lần đầu tiên các bạn sống xa nhà trong một khoảng thời gian dài. Bởi vậy nỗi nhớ nhà có thể là chướng ngại vật sinh viên cần vượt qua. Tuy nhiên, hiện nay với các phương tiện truyền thông hiện đại như facebook, viber, Zalo… giúp các sinh viên có thể liên lạc, gặp mặt các thành viên trong gia đình khi có mạng internet. Bởi thế, đây cũng không phải khó khăn quá lớn với sinh viên.

    “Ngày ấy chỉ muốn học xa nhà để có thể thoát khỏi sự quản lý, trói buộc từ bố mẹ, mà không ngờ thứ mình cố gắng hết sức để thoát khỏi giờ đây lại là sự ấm áp và an toàn, là nỗi mong nhớ không nguôi.”

2. KHÔNG QUEN CÁCH HỌC

Khi còn ở phổ thông, các thầy cô giáo rất sao sát, tỉ mỉ với từng học sinh nhưng khi trở thành sinh viên, giảng viên sẽ không có thời gian để giục từng sinh viên một học bài, làm bài tập và chú ý nghe giảng. Trở thành sinh viên, bạn phải học cách tự chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Nếu không học tập chăm chỉ, sẽ chẳng ai nhắc nhở bạn, tất cả sẽ trả lời bằng điểm cuối kỳ, chỉ đơn giản thế thôi.

Vì thế, đừng nghĩ rằng là sinh viên thì việc học sẽ rất nhàn. Hãy tự giác, làm theo những hướng dẫn của giảng viên và ngoài ra đọc thêm nhiều sách tham khảo. Đừng để công sức lặn lội xa nhà để lên thành phố lớn học tập, cha mẹ làm lụng vất vả mới có tiền học và sinh hoạt cho bạn nơi đô thị, và bản thân bạn cũng ngày ngày đến trường, cuối cùng lại nhận được tấm bằng trung bình hoặc không ra được trường.

Bên cạnh đó, những tân sinh viên cũng đừng quên trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình ngay từ năm đầu bởi nếu đợi đến những năm cuối mới bắt đầu học ngoại ngữ thì sẽ rất khó khăn và vất vả. Thời gian năm đầu mà không tự giác trau dồi khả năng học ngoại ngữ thì rất có thể những kiến thức nền dần bị mất đi và phải học lại. Ngoại ngữ yêu cầu sự luyện tập và tiếp xúc trong một thời gian liên tục và tiếp nối. 

3. BẠN BÈ THỜI SINH VIÊN KHÁC BẠN BÈ KHI HỌC TRUNG HỌC

Bước chân vào một môi trường mới với những sinh viên đến từ mọi miền đất nước, bạn cảm thấy rất khó để có thể kết bạn? Sự thật hoàn toàn không phải vậy, bạn có thể tìm kiếm cho mình những người bạn mới thông qua các lớp học, các CLB, hoạt động phong trào của trường… Và đừng bao giờ giữ suy nghĩ “tình bạn đại học không bền như thời trung học”. Thực tế tình bạn không phân cấp trung học, đại học, quan trọng là thái độ và mức độ chân thành của mỗi người với tình bạn như thế nào!

4. BẠN CÙNG PHÒNG KHÔNG HÒA HỢP: ĐỈNH CAO CỦA MỌI RẮC RỐI THỜI SINH VIÊN

Sẽ thật khổ sở nếu như người bạn cùng phòng có những điều không hòa hợp về tính cách và lối sinh hoạt. Rất nhiều sinh viên năm nhất mới những ngày đầu lên nhập học đã không ngừng cãi nhau, mâu thuẫn với bạn cùng phòng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tình thần của các bạn. Ăn ngủ cùng với một người không hợp nhau về tính cách, chế độ sinh hoạt.

Hãy cố gắng liên hệ và rủ bạn bè của bạn ở chung. Ít nhất người đó nên cùng quê, hai bên gia đình biết nhau hay đã chơi với nhau từ hồi học trung học. Nếu được những điều đó thì rát thuận lợi. Nếu không, ở với một người bạn mới, bạn nên thỏa thuận một cách khéo léo về phòng cách sống, phong cách sinh hoạt của bản thân. Bạn cũng nên cố gắng nhường nhịn, bỏ qua nhiều thứ cho bạn cùng phòng, đến anh chị em trong nhà đôi khi còn tranh luận, không vừa ý, huống chi một người bạn vừa mới quen không ít lâu. Làm  sao cho cả hai người đều vui vẻ, hòa thuận, gắn bó và chia sẻ với nhau là tốt.

5. KHÔNG BIẾT TỰ CHI TIÊU

Vấn đề “đầu tiên” mà sinh viên năm nhất nào cũng gặp phải chính là vấn đề liên quan đến tiền. Lạ nước, lạ cái nên tân sinh viên nào cũng có tâm lý phải cất tiền cho kĩ, mất tiền coi như “sống không được, mà chết cũng chẳng xong”.

Theo chia sẻ của một bạn sinh viên năm nhất của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ngoài việc chú ý cất tiền, tân sinh viên còn gặp phải khó khăn trong việc cân đo đong đếm chi tiêu trong tháng. Đối với rất nhiều bạn sinh viên thì lần đầu cầm nhiều tiền thế, cứ thiếu gì thì cứ mua đại, không tính toán gì hết vậy nên không ít bạn phải chịu cảnh đầu tháng “ăn xả láng”, cuối tháng thì không có tiền để ăn.

GIẢI PHÁP: Hãy ghi lại và lập bảng chi tiêu hàng tháng, luôn để dư ra một số tiền nhất định đề phòng những trục trặc, khó khăn cần tiền gấp trong cuộc sống.

6. KHÔNG TÌM ĐƯỢC NHÀ TRỌ PHÙ HỢP

Nếu tìm nhà trọ đúng đợt tháng 9, tháng 10 khi sinh viên các trường nhập học hết, nhu cầu tìm nhà trọ của sinh viên cao nên việc tìm được một phòng trọ ưng ý về mọi mặt cũng là điều khó khăn. Không ít những sinh viên nửa tháng, một tháng lại chuyển nhà trọ một lần, rất vất vả. Kèm theo đó, tại những thành phố lớn, những thông tin lừa đảo về thuê nhà trọ, bắt đóng tiền cọc nhiều tháng lại thường xuyên xảy ra. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và tâm lý ban đầu của các em.

GIẢI PHÁP:

Các em có thể liên hệ với ký túc xá của các trường và đăng ký ở trong thời gian đầu. Trong thời gian ở ký túc xá, nếu hòa hợp với môi trường sinh hoạt, các em có thể ở tiếp, nếu không trong thời gian đó, các em cũng có thể thong thả tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phòng trọ vừa ý hơn. Đợi hết đợt sinh viên nhập học rồi, có lẽ lúc đó giá phòng trọ sẽ giảm xuống, các chủ nhà trọ cũng không còn có tâm lý bắt ép sinh viên như tại thời điểm nóng nhập học.

Hãy liên hệ với bạn bè cùng quê, bạn bè hồi trung học, họ hàng, anh chị em cũng lên thành phố cùng mình để học tập. Hoặc chủ động hơn, bạn có thể tự lên mạng tìm hiểu những thông tin nhà trọ gần trường mình hay nhờ những người họ hàng đã sống ở thành phố lâu năm tư vấn và tìm giúp.

Những kinh nghiệm thuê phòng trọ dành cho sinh viên năm nhất được chia sẻ chi tiết tại bài viết: Tân sinh viên cần chú ý những điều này để không bị lừa khi đi thuê phòng trọ.

7. QUẢN LÝ THỜI GIAN

“Mình có những 3 năm học sinh viên cơ mà, còn dài chán”. Rất nhiều bạn có suy nghĩ này. Để rồi ngoảnh đi ngoảnh lại cuối cùng thấy mình chẳng làm được việc gì có ích trong suốt quãng thời gian còn trẻ, không trải nghiệm, không học tập, không thiết lập các mối quan hệ và hoàn thiện những kỹ năng mềm trong cuộc sống. Và rồi bạn thốt lên một câu: “ Cuối cùng, thanh xuân cũng chỉ là một quận của TP HCM”, không có ý nghĩa gì.

Để thanh xuân trở nên thật ý nghĩa, chúng ta cần học cách quản lý thời gian. Thời gian học trên lớp, trải nghiệm, học kỹ năng mềm, giao lưu với bạn bè, thiết lập mối quan hệ và giải trí cần được cân bằng sao cho hợp lý.

Nhiều sinh viên gặp phải tình trạng đi làm thêm thì không có thời gian ôn thi, mà cứ ở nhà mãi thì không có trải nghiệm, mãi không lớn lên được. Đó chính là kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian. Để quản lý thời gian một cách hiệu quả, hãy chú ý những điều sau:

7.1 Học cách nói “Không”

Tiệc tùng vào cuối tuần này ư? Đi câu lạc bộ? Làm một cuộc du ngoạn xuyên đêm vào tối thứ Bảy? Bỏ ra ba tiếng để ăn pizza và "tám" với bạn cùng phòng? Nói "Không" dường như là không thể trong thời quãng thời gian là sinh viên của mỗi người. Nhưng cũng không thể nói "Có" với tất cả mọi thứ. Học cách nói "Không" có thể là một điều khó khăn, nhưng nó thật sự quan trọng để rèn luyện tốt kỹ năng quản lý thời gian.

7.2 Bố trí các công việc

Đừng trì hoãn. Bạn biết là mình sẽ có bài thi giữa kỳ, bài báo cáo thí nghiệm hay một đề tài nghiên cứu trong một tháng nữa. Đừng đợi đến tuần cuối cùng mới bắt tay vào làm nhé. Hãy làm dần dần các công việc ngay bây giờ để bạn có thể quản lý thời gian và khối lượng công việc của mình trong một dòng chảy đều đặn thay vì phải hối hả, rối tung lên.

7.3 Sử dụng thời gian giải trí một cách khôn ngoan

Môi trường đại học rất tuyệt vời vì ở đó luôn luôn diễn ra các hoạt động thú vị mà bạn muốn tham gia. Nhưng đáng tiếc, cũng với chính lý do này, các hoạt động ở trường đại học cũng là một thử thách không hề nhỏ đối với sinh viên. Thay vì cứ cảm thấy thiệt thòi vì mình đang bỏ lỡ một điều gì đó mỗi khi cố gắng làm bài tập về nhà, hãy làm bài ở ngay trong khuôn viên của trường. Tự nhắc nhở bản thân rằng, ngay khi làm xong hết các bài tập, mình sẽ có thể tham gia các hoạt động thú vị này. Khi đó, bạn sẽ không phải cảm thấy "tội lỗi" vì sự ham vui của chính mình.

7.4 Liên tục ưu tiên và tái ưu tiên

Bất luận là bạn có kiểm soát được mọi thứ hay không, nhưng đôi lúc cuộc sống sẽ xảy ra những điều mình không lường trước được. Ví dụ như bạn ngã bệnh, máy tính bị hỏng, bạn cùng phòng gặp sự cố hay bạn bị mất điện thoại di động. Quản lý thời gian tốt đòi hỏi khả năng dành ưu tiên và tái ưu tiên khi vấn đề xảy ra. Kỹ năng quản lý thời gian giỏi có nghĩa là khi các rắc rối xảy đến, bạn có thể đối phó được với nó thay vì cảm thấy bản thân mình bị rơi vào cơn khủng hoảng.

7.5 Kiểm soát được tình trạng sức khỏe, giấc ngủ và chế độ luyện tập thể dục

Mỗi ngày bạn chỉ có 24 tiếng để học tập hay làm việc, chưa tính đến thời gian ăn, ngủ và tập thể dục. Tuy nhiên, thực hiện tốt ba việc tưởng chừng như đơn giản này có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong khả năng quản lý thời gian của bạn. Có thể ở lại chỗ này hay chỗ kia trễ hơn một lát được không? Có thể không ăn bữa tối trong vòng một tuần được không? Điều đó không thành vấn đề. Nhưng làm cho những việc này không còn là ngoại lệ mà trở thành một phần trong đời sống sinh viên là một suy nghĩ sai lầm. Để tiếp tục con đường học tập, bạn cần cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Mỗi ngày hãy tự chăm sóc bản thân mình một ít để đảm bảo rằng, bạn có thể hoàn thành hết tất cả những gì bạn cần làm với một quỹ thời gian có giới hạn ở trường.

Ngoài việc giáo dục sinh viên những kiến thức nền tảng của các môn học, sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM nhìn chung khá nhanh chóng có thể hòa nhịp với cuộc sống mới khi là tân sinh viên. Các em được dìu dắt và hỗ trợ rất nhiều từ nhà trường, không chỉ riêng ký túc xá, học bổng khuyến khích những bạn có thành tích học tập cao mà còn tận tình hướng dẫn, theo dõi, sao sát và định hướng cho các em những ngành nghề trong tương lai. 

Nhận xét