Hình ảnh

Người đàn ông bán dreamcatcher handmade trước cổng HUFI

Gặp chú vào một ngày trời Sài Gòn vào mưa đầu mùa, chú đứng trước cổng trường HUFI - Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, những chiếc dreamcatcher của chú  phảng qua cùng cơn gió lành lạnh của cơn mưa trước đó cho tôi cảm giác, thì ra sau những nhộn nhịp ngoài kia,  Sài Gòn đôi lúc cũng yên bình đến lạ. 

người đàn ông 40 năm nắng mưa vẫn chạy xe đạp bán dreamcatcher
Ảnh: Huỳnh Thắng

Gọi là chú Năm vì khi hỏi tên, chú cười bảo: 'Bây cứ gọi chú Năm, nghe cho nó gần gũi như người trong nhà'. Một cái tên nghe quen thuộc và dân dã như chính con người miền Tây. Chú Năm năm nay đã 67 tuổi, quê gốc ở Cần Đước, Long An.


Chú vẫn thường hay đứng trước HUFI, dù nắng hay mưa, chú Năm vẫn cùng chiếc xe đạp cũ, treo đầy móc khóa và dreamcatcher đi bán. Tất cả như một gian hàng di động đầy màu sắc  và hơn hết, nó trở nên đẹp hơn khi hòa cùng màu áo của các bạn sinh viên HUFI, tấp nập giữa lòng đường Sài Gòn. 

người đàn ông 40 năm nắng mưa vẫn chạy xe đạp bán dreamcatcher

Trên chiếc xe treo đầy móc khóa và dreamcatcher ấy như chở cả tuổi thơ của các bạn nhỏ, làm nên một gian hàng di động đầy màu sắc. Chiếc xe cũ ấy như một điểm nhấn giữ một Sài Gòn hiện đại, đông đúc người xe và ghé lại tại trước cổng trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM (Quận Tân Phú, TP.HCM)  vào khoảng 11h trưa. 

Chú bán hàng vui tính

'Chú bán năm nay là hơn 40 năm rồi. Lúc trước chú bán ở quận Thủ Đức, sau này thì dời sang quận Tân Phú bán. Vì bán lâu rồi lên mấy đứa nó ủng hộ nhiều lắm. Bữa có mấy đứa nó lại chụp hình rồi đăng lên mạng. Cái tự dưng nổi tiếng luôn' - Chú Năm vừa cười vừa kể.

Người ta nói Sài Gòn có 2 mùa mưa, nắng. Nhưng với tôi, Sài Gòn còn có cả mùa để nhớ. Nhớ con người bình dị như chú Năm vậy. Thấy khách ghé lại mua hàng, chú Năm luôn thân thiện bắt chuyện. Nào là 'bây muốn mua cái gì', 'muốn mua con nào chú lựa cho',... rồi đến hài hước trêu ghẹo 'đứa nào ở lại chú nuôi, cơm ba bữa không chắc, nhưng mì gói thì đủ qua ngày'. Cũng nhờ những câu nói hài hước, thật tình của chú nên lúc nào 'gian hàng nhỏ' cũng đầy ắp tiếng cười.

người đàn ông 40 năm nắng mưa vẫn chạy xe đạp bán dreamcatcher
Ảnh: Huỳnh Thắng 

Bạn Ngọc Anh (ngụ Quận Tân Phú) chia sẻ: 'Mình đã nhiều lần mua móc khóa của chú rồi. Chú vừa dễ thương, vừa vui tính nên mình thích lắm. Chú Năm cũng tận tình, khi mình mua cái nào, thì chú cũng đều hướng dẫn cách sử dụng, treo ở đâu thì đẹp. Rồi đôi khi chú còn xem phong thủy, tử vi nữa'.

Đi bán chỉ vì đam mê

Gắn bó với nghề bán móc khóa từ lúc còn trai trẻ, cũng nhờ đó mà nuôi sống gia đình. Khi về già, các con đều đã lớn, có thể báo hiếu lại chú. Nhưng chú Năm lại không muốn nghỉ ngơi. Bởi lẽ, đã gắn bó lâu rồi, sao nói buông là buông được. 'Con chú nó không cho đi bán vì già rồi. Giờ thì tiền chú không thiếu, con cái hiếu thảo. Chú chỉ đi bán cho vui vậy thôi. Tới giờ mấy đứa sinh viên nó tan học, nó bu lại mua nhìn vui lắm' - Chú Năm chia sẻ.

Mỗi chiếc móc khóa lớn nhỏ đều được chú Năm bán đồng giá 10.000 đồng. Cứ thế, nếu bán được 100 chiếc móc khóa, chú Năm cũng chỉ lời 300 nghìn. Tuy ít nhưng với chú đã đủ vui, đủ sống. Suốt 40 năm qua, chứng kiến nhiều mẫu mã móc khóa khác nhau ra đời, chú Năm không khỏi cảm thán: 'Hồi đó móc khóa làm gì được như bây giờ, hồi đó chỉ có một sợi dây thắt thành hình, thành bông các kiểu rồi bán thôi. Giờ thì đủ thứ hết, cái nào cũng có'.

Ngoài ra, chú Năm còn bán dreamcatcher, cái nhỏ 10.000 đồng, cái lớn thì 60.000 đồng/chiếc. Nhìn những chiếc dreamcatcher đầy màu sắc và hoàn hảo, ít ai biết chúng đều được chú Năm tự tìm tòi, sáng tạo mà thắt nên.

người đàn ông 40 năm nắng mưa vẫn chạy xe đạp bán dreamcatcher

'Hồi đó chú coi phim Người Thừa Kế. Thấy nhân vật trong phim học thắt cái này rồi chú học theo. Mà chỉ học được một ít thôi, còn nhiêu là mình tự nghĩ ra hết. Cái catcher này có ý nghĩa lưu giữ những giấc mơ đẹp, thổi bay những cơn ác mộng' - Chú Năm chia sẻ.
Cứ đều đặn buổi trưa mỗi ngày, chú Năm lại chạy chiếc xe đạp cũ trên con đường quen thuộc bán những chiếc móc khóa xinh xinh, bán những chiếc vòng 'lưu giữ giấc mơ'. Rồi cũng bằng cách đó, chú Năm lại tiếp tục lưu giữ ước mơ, viết tiếp niềm đam mê của mình ở tuổi già.

Theo Tấn Lợi/Baodatviet.vn

Nhận xét