Hình ảnh

Đưa ra nhiều tình huống chuẩn bị cho học sinh TP.HCM trở lại trường

Học sinh trở lại lớp vào thời điểm dịch bệnh vẫn phức tạp, trường học phải chuẩn bị cho nhiều tình huống phát sinh để các em yên tâm.

Đưa ra nhiều tình huống chuẩn bị cho học sinh TP.HCM trở lại trường

Học sinh trở lại lớp vào thời điểm dịch bệnh vẫn phức tạp, trường học phải chuẩn bị cho nhiều tình huống phát sinh để các em yên tâm.
Theo kế hoạch của ngành giáo dục TP.HCM, dự kiến, học sinh lớp 9, 12 ở vùng an toàn tới trường học trực tiếp từ giữa tháng 12 (nhiều khả năng là ngày 10/12).

Học sinh trở lại trường là niềm mong mỏi của cả phụ huynh, giáo viên và bản thân các em. Ngay từ bây giờ, các trường đã lên phương án, dự trù nhiều tình huống có thể phát sinh để chuẩn bị đón học sinh.

Nhiều F0 rải rác thì xử lý sao?


Thời điểm này, học sinh trong độ tuổi 12-17 ở TP.HCM đã được tiêm mũi 2 vaccine Covid-19. Tính đến giữa tháng 12 là đủ 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2, học sinh đã có kháng thể Covid-19, yên tâm hơn khi đến trường.

Đây là yếu tố mà thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp), nhắc đến khi nói về kế hoạch cho học sinh đến trường. Thầy cho biết nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tình huống để đón học sinh trở lại vào giữa tháng 12 tới.

Đặt thêm nước rửa tay, vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường học, phân luồng, đo nhiệt độ khi học sinh vào trường là những việc quen thuộc trong 2 năm qua nên nhà trường tự tin đã chuẩn bị đủ và thực hiện thuần thục.

"Những việc này cả nhà trường và học sinh đã rất quen thuộc, chỉ có điểm mới là xây dựng phương án xử lý khi trường có F0", thầy Hải nói.

Từ chỉ đạo chung của ngành giáo dục, trường THPT Nguyễn Công Trứ lên phương án nếu có F0 là giáo viên, học sinh đang ở trường thì phải cách ly và báo y tế địa phương nhanh nhất. Những học sinh trong lớp của F0 cũng được cho về nghỉ. Trường hợp phụ huynh chưa thể đón ngay, các em sẽ được bố trí ở phòng cách ly.

"Phòng cách ly đã được trường sắp xếp ở gần nhà vệ sinh nên khi cần, học sinh có thể tạm cách ly, phong tỏa cả phòng chờ và nhà vệ sinh", thầy hiệu trưởng nói.

Đây cũng là cách xử lý của trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Nhà trường cũng băn khoăn phương án cụ thể cho tình huống có nhiều F0 rải rác ở những lớp khác nhau trong trường.

"Trường có một, hai em F0 có thể cho nghỉ, F1 học online để theo dõi sức khỏe, các lớp khác vẫn học bình thường. Nhưng trường hợp có nhiều F0 ở các lớp khác nhau, giả sử 5/10 lớp có F0 thì xử lý ra sao? Liệu có đóng cửa trường, chuyển sang học online hết hay không?", cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, băn khoăn.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng đã xác định mở cửa trường học, thích ứng với dịch Covid-19 thì không thể phong tỏa toàn trường hoặc đóng cửa ngay khi có F0, bởi sẽ gây xáo trộn rất lớn. Cách làm hiện nay là bình tĩnh khoanh vùng, truy vết, xác định người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý theo hướng dẫn của y tế.

"Khi phát hiện F0, chỉ em tiếp xúc gần mới phải ở nhà cách ly, những bạn khác sang phòng học dự phòng theo dõi sức khỏe. Như vậy, quá trình học sẽ không bị gián đoạn, không khiến những em còn lại hoang mang", thầy Phú nói.

Chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau


Thầy Phan Hồ Hải cho rằng các trường cần tính đến một tình huống khác là số ít phụ huynh không muốn cho con trở lại lớp vào thời điểm này. Khi đó, trường sẽ xin ý kiến sở giáo dục nhưng tinh thần chung, ban giám hiệu đã chuẩn bị phương án tổ chức cho các em học online.

"Qua thăm dò ý kiến phụ huynh, có người chấp nhận con có thể bị lưu ban cũng không muốn cho đi học lại vào lúc này. Chỉ có vài trường hợp học online nhưng nhà trường vẫn tổ chức vì đây là quyền lợi chính đáng của học sinh. Chúng tôi cũng không thể ép các em phải đến trường", thầy Hải nói.

Một vấn đề khác là kiểm tra, đánh giá khi học sinh quay lại trường. Theo chương trình, trung tuần tháng 12, học sinh sẽ kiểm tra kết thúc học kỳ I. Nếu theo kế hoạch, ngày 10/12, học sinh có thể học trực tiếp, trường THPT Nguyễn Công Trứ sẽ kiểm tra nhanh kiến thức, khả năng tiếp thu của các em sau thời gian học online để có phương án củng cố, ôn tập.

Việc kiểm tra kết thúc học kỳ sẽ theo nội dung đã giảm tải của Bộ GD&ĐT và phù hợp tình hình học tập trong thời gian qua. Thầy Hải cho hay giáo viên đã lên 3 phương án kiểm tra cuối học kỳ I.

"Khi học sinh lớp 12 chưa thể quay lại trường, cả 3 khối đều kiểm tra online, triển khai làm sao, rút kinh nghiệm gì từ đợt kiểm tra giữa kỳ. Nếu học sinh 12 tới lớp, nội dung kiểm tra có thay đổi như thế nào không? Trường hợp cả 3 khối cùng được đến trường thì tổ chức kiểm tra ra sao?", thầy Hải cho hay.

Qua thực tế chuẩn bị, thầy Phan Hồ Hải cho biết trường gặp khó ở việc đảm bảo khoảng cách giữa học sinh trong lớp. Sĩ số mỗi lớp khoảng 45 em. Để đảm bảo khoảng cách an toàn, trường phải chia đôi lớp học thành 2 phòng cạnh nhau. Mỗi môn, giáo viên dạy đồng thời cả 2 phòng. Bên này nghe giảng, bên còn lại sẽ làm bài tập.

Một giáo viên dạy, quản lý cả 2 phòng học như vậy rất khó và vất vả. Chắc chắn, khối lượng kiến thức mỗi tiết phải giảm xuống, tiến độ sẽ chậm lại.

Đây cũng là điều khiến ban giám hiệu trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) lo lắng. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm ngoái, khi học sinh trở lại sau thời gian dài nghỉ dịch, trường cũng chia đôi lớp học thành 2 phòng cạnh nhau.

Khi giảng lý thuyết, giáo viên dạy trực tiếp ở một phòng, bên còn lại theo dõi qua màn hình chiếu. Lúc làm bài tập, giáo viên sẽ qua lại, quán xuyến cả 2 phòng. Một thời gian thực hiện, trường thấy phương án này không hiệu quả.

"Trường đang cân nhắc phương án chia mỗi lớp thành 2 lớp nhỏ, một nửa học buổi sáng, một nửa buổi chiều. Với phương án này, giáo viên sẽ phải dạy gấp đôi, vất vả hơn", cô Dung nói và cho biết dù nhiều khó khăn, các giáo viên, phụ huynh đều mong học sinh có thể tới trường, ít nhất để hoàn thành kiểm tra học kỳ I. Bởi sau đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, các giáo viên đều nhận thấy việc kiểm tra online còn bất cập, khó khăn.

Theo Zing News

Nhận xét