Dịch vụ tín dụng sinh viên rất dễ tiếp cận nhưng bủa vây bằng mức lãi suất “khủng” khiến những người vướng vào có thể phải bỏ dở học hành vì áp lực nợ nần. Các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để, nghiêm khắc hơn nữa với các tổ chức tín dụng đen.
Sinh viên hoảng loạn vì sập bẫy tín dụng đen
Ngày 17/11 vừa qua, thông tin từ Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - HUFI cho biết, gia đình của T., sinh viên năm 2 ngành ngôn ngữ Anh, đã báo trường về tình trạng tinh thần cũng như cho sinh viên về quê, cách ly hoàn toàn với các thiết bị điện tử.
Trước đó, tháng 11/2020, T. đem tiền đi đóng học phí nhưng không may làm mất. Không dám nói với gia đình, T. vay tiền qua một app (ứng dụng) cho vay. Số tiền vay 5 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận chỉ gần 4 triệu đồng.
T. đi làm thêm nhưng vẫn không đủ trả tiền gốc và lãi. Đến khi đáo hạn, T. không đủ tiền và được chính người của app này giới thiệu vay tiếp ở một app vay tiền khác. Cứ như vậy, một năm nay, T. phải vay app này, trả app kia nhưng vẫn không thể giải quyết được dứt điểm số tiền gốc và lãi. Tính đến tháng 11/2021, số tiền gốc và lãi T. nợ hàng chục app khác nhau với số tiền hơn 274 triệu đồng. T. liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn, T. báo cho gia đình...
Theo bà Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - HUFI, theo thông tin gia đình cung cấp, dường như tất cả các app này đều chung một đường dây. Nếu sinh viên khó khăn, có nhu cầu vay tiền, có thể liên hệ trường để được hỗ trợ vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách địa phương. Ngoài ra, trường cũng có chính sách hỗ trợ tài chính và trong đó có hỗ trợ sinh viên gặp những khó khăn đột xuất. Sinh viên nên chia sẻ với gia đình, nhà trường để được hỗ trợ, không nên vay từ các tổ chức, quỹ tín dụng không rõ ràng.
Tình trạng sinh viên vay tín dụng đen với lãi suất cao này không phải lần đầu tiên xảy ra. Theo bà Hoàng Thị Thoa, nhà trường từng đưa ra những cảnh báo trước đây nhưng thi thoảng vẫn có trường hợp sinh viên mắc phải. Vì vậy, từ một trường hợp mới xảy ra gần đây, trường tiếp tục có cảnh báo đến người học, đặc biệt là các tân sinh viên vừa bước vào giảng đường đại học.
Tỉnh táo trước cạm bẫy tín dụng đen
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, nhiều sinh viên phải đối mặt với loại cạm bẫy nguy hiểm là tín dụng đen. Đối với các sinh viên mới ra TP, mới thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, lần đầu được bố mẹ cho tiền hàng tháng để tự chi tiêu có thể không làm chủ được bản thân, sa vào các cuộc ăn chơi dẫn đến tiêu hết tiền sinh hoạt hoặc tiền học phí mà gia đình chu cấp. Khi đó, nhiều em vì sợ hãi không dám nói với bố mẹ mà tìm đến những nơi cho vay nặng lãi để vay tiền bù lại số tiền đã tiêu rồi dự định sau này tự làm thêm để kiếm tiền trả.
Tuy nhiên, các em không biết được rằng mình có thể đã mắc phải bẫy tín dụng đen. Nhiều sinh viên phải vay tiền với lãi suất 5 - 7% nợ gốc/ngày. Các đối tượng cho vay thường yêu cầu được giữ chứng minh thư, thẻ sinh viên của các em để bảo đảm. Nếu các em không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện hoặc gặp trực tiếp quấy rối, đe dọa. Đây là mức lãi suất rất cao và vi phạm nghiêm trọng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay. Mức lãi suất tối đa của hợp đồng vay tài sản theo quy định chỉ là 20% nợ gốc/năm.
“Người nhận hậu quả nặng nề nhất chính là các sinh viên và gia đình. Nhiều em phải bỏ dở việc học vì tín dụng đen hoặc đẩy gia đình vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Vì vậy, các em nên tỉnh táo, biết kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân mình để không bị sa ngã và rơi vào cạm bẫy của tín dụng đen. Còn đối với các đối tượng cho vay thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 3 năm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.
Theo các chuyên gia luật, để giải quyết nạn tín dụng đen, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền cho người dân tránh và tố giác tín dụng đen; làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác; xử lý triệt để các đường dây cho vay nóng, vay nặng lãi trái quy định.
"Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20% một năm. Bộ luật Hình sự quy định tại Điều 201 là mức lãi suất vượt quá 5 lần mệnh mức lãi suất Nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - luật sư Đặng Văn Cường.
Nhận xét
Hãy để bình luận của bạn tại đây nhé!