Hình ảnh

Dạy học trực tuyến: Làm thế nào để bớt căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm?

Giảng viên mắng sinh viên và đuổi sinh viên ra khỏi lớp, sinh viên văng tục và xúc phạm thầy giáo... Những clip như vậy xuất hiện ngày càng nhiều.

Các chuyên gia cho rằng đó là điều khó tránh khỏi nếu thầy và trò không được chuẩn bị tốt về tâm lý, thái độ và kỹ năng dạy học trực tuyến.

ThS Đặng Trần Minh Hậu, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dạy trực tuyến - Ảnh: VĂN CHÍ NAM
ThS Đặng Trần Minh Hậu, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dạy trực tuyến - Ảnh: VĂN CHÍ NAM

Theo các chuyên gia tâm lý, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, cả người dạy và người học đang gặp phải vấn đề về tâm lý.

Người dạy cần học cách thao tác và làm chủ công nghệ, các nền tảng số, các công cụ ứng dụng cho việc giảng dạy online, chuẩn bị chu đáo về giáo án, lường trước các tình huống phát sinh ngoài ý muốn khi tổ chức lớp học, tôn trọng người học, giữ tâm thế và tinh thần thoải mái. Đối với người học cần có tâm thế sẵn sàng, nghiêm túc, xem trước bài học, tham gia lớp với tinh thần ham học hỏi, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài.  
TS. Đào Lê Hoài An

Mệt mỏi, kiệt sức

Theo TS Lê Thị Mai Liên - giảng viên bộ môn tham vấn - trị liệu, khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khi dạy trực tuyến, giảng viên phải chuẩn bị nhiều nội dung, cố gắng duy trì sự tập trung và tham gia của sinh viên khiến tiêu hao nhiều năng lượng. Do đó, khi dạy trực tuyến kéo dài cũng khiến giáo viên đối mặt với nguy cơ kiệt sức.

"Nếu như ngày trước giảng viên đến trường cảm thấy vui, nhưng bây giờ nghĩ đến việc mở máy tính ra để lên lớp dạy trực tuyến nhiều giáo viên thấy căng thẳng. Nhiều giáo viên cảm thấy không vui, cáu bẳn, rất khó chịu và dễ chuyển sự tức giận, cau có đó lên người xung quanh, người học.

Cảm giác này khiến giáo viên muốn xa lánh mọi người, muốn rút lui... Trong trường hợp thầy cô bị rơi vào vấn đề sức khỏe tinh thần (lo âu, trầm cảm, căng thẳng...), kiệt sức, họ sẽ cảm thấy "mất lửa", giảm đi lòng trắc ẩn, khó dành tình thương cho ai khác.

Khi làm việc không hiệu quả, giáo viên sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng về công việc, rơi vào vòng luẩn quẩn và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy" - TS Mai Liên nhận định.

PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Việc chuyển sang dạy trực tuyến tạo ra nhiều áp lực khó khăn cho giáo viên.

Trong lớp học trực tuyến, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà là người dẫn dắt, đồng kiến tạo giúp người học tìm kiếm kiến thức từ nhiều nguồn.

Giảng viên đang bị áp lực do đại dịch COVID-19 mang lại như thời gian giãn cách, cơm áo gạo tiền, áp lực công việc, mất kết nối với mọi người, lo lắng về dịch bệnh... Tất cả những điều này khiến cho giáo viên căng thẳng, đuối sức nên không thể toàn tâm, toàn ý dạy cho người học".

Còn TS Đào Lê Hòa An, giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, tiếp cận ở một góc độ khác.

Theo ông An, với học trực tuyến, người dạy và người học không ở cùng một nơi mà có thể ở bất cứ nơi đâu, từ nơi yên tĩnh tới nơi có mưa rơi, nóng bức, nhiều tiếng ồn... Do đó, việc thấu hiểu lẫn nhau là một trong những thách thức và khó khăn vì không cùng cảm nhận chung.

Tạo năng lượng tích cực

Theo TS Lê Thị Mai Liên, không chỉ giáo viên mới cảm thấy áp lực, căng thẳng mà học sinh sinh viên hiện đang ở thời kỳ đầy thách thức, bị cô lập trong thời gian rất dài không được đến trường.

Không ít sinh viên gặp rất nhiều khó khăn về tâm lý vì phải ở nhà lâu ngày, bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, "đói" những hoạt động mang lại niềm vui.

Nhiều sinh viên học sinh đã có các dấu hiệu như chán nản, lo lắng, buồn, sợ hãi, bối rối, giảm hứng thú, bất an, bồn chồn, mất tập trung, mệt mỏi, khó giữ được cảm xúc. Điều này khiến khả năng chú ý, tập trung của người học hạn chế nên khi ngồi trước máy tính lâu họ cũng cảm thấy rất mệt mỏi.

"Do vậy, để dạy online hiệu quả, giảng viên cần chuẩn bị bài giảng đẹp mắt, nội dung đa giác quan. Đồng thời cần chuẩn bị tâm lý, đặt mình vào vị trí người học để chia sẻ với những khó khăn của học trò.

Nếu như trước đây dạy trực tiếp yêu cầu sinh viên 10 thì với dạy trực tuyến chỉ cần 7, nên dành 3 phần còn lại cho sinh viên chăm sóc tinh thần của họ. Không nên kiểm tra đánh giá quá nhiều, cần có nội quy thông điệp rõ ràng ngay từ đầu.

Khi dạy trực tuyến các thầy cô sẽ cảm thấy buồn vì nhiều sinh viên không chịu mở camera. Trong tình huống này, giảng viên cần biết cách khơi gợi sự tương tác của người học.

Ví dụ ngay từ đầu giảng viên có thể nói rõ sinh viên có quyền tắt camera, nhưng khi nào cần phát biểu thì mở mic và camera lên để tương tác cùng người dạy. Năng lượng và cảm xúc có tính lây lan, vì vậy muốn lớp học vui thì đầu tiên chính giảng viên phải cảm thấy vui" - TS Mai Liên nói.

Cần bộ quy tắc ứng xử

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hơn ai hết, mỗi giảng viên cần thực sự quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh của mình khi dạy học trực tuyến và vận động các bên cùng đồng hành, nhắc nhở.

"Cùng với việc thực thi các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường nên có quy định hướng dẫn tạm thời, trong đó bao gồm bộ quy tắc về ứng xử trên môi trường trực tuyến. Những quy định này xoay quanh việc đảm bảo giờ giấc, tác phong, trang phục và các vấn đề tương tác với học sinh", GS Sơn đề nghị.

Theo Trần Quỳnh - TTO

Nhận xét