Sau một thời gian dài học online, cuối tháng 11, một số trường đại học tại Hà Nội và TPHCM đã bắt đầu đón sinh viên trở lại trường học. Tuy nhiên, số trường học mở cửa trở lại còn hạn chế, không ít trường tiếp tục thay đổi kế hoạch do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Sinh viên bắt đầu được đi học trở lại
Từ hôm nay (29.11), sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM có thể học lý thuyết, thi, thực hành tại các cơ sở của nhà trường. Việc học thực hành tại các bệnh viện và cơ sở ngoài, nhà trường sẽ thông báo cụ thể khi có thông tin từ các cơ sở thực hành.
Theo ông Trương Văn Đạt - Trưởng phòng Công tác sinh viên - để đón sinh viên trở lại trường đã chuẩn bị mọi phương án, kịch bản như trạm y tế trường trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, có khu vực cách ly theo quy định; đồng thời phối hợp với các khoa, phòng ban và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lập danh sách, lên kế hoạch hỗ trợ tiêm vaccine cho sinh viên, học viên.
Ký túc xá của trường cũng thường xuyên hướng dẫn về phòng chống dịch và kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch; bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ vệ sinh, thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy, đặt ở vị trí phù hợp; thực hiện 5K đối với viên chức, người lao động, người học và khách đến ký túc xá.
Hoạt động trở lại từ ngày 22.11, sinh viên Đại học RMIT tại Hà Nội và TPHCM cũng đều chính thức trở lại trường. Để đảm bảo an toàn, trường đưa ra các yêu cầu cùng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đối với người học và cán bộ giảng viên.
Sinh viên và cán bộ giảng viên phải tiêm vaccine đầy đủ hoặc đã phục hồi hoàn toàn khỏi COVID-19 mới được đến trường. Sinh viên và cán bộ giảng viên khai báo y tế trực tuyến hằng ngày và chỉ vào trường khi nhận thư điện tử xác nhận có thẻ xanh. RMIT cũng đã thiết lập khu vực xét nghiệm nhanh và cách ly tạm thời đối với các trường hợp nghi ngờ F0 tại trường.
Khi tới trường, giảng viên, sinh viên đều được kiểm tra thân nhiệt, thẻ sinh viên/nhân viên và xuất trình thư điện tử xác nhận khai báo y tế…
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM - cho biết, trường này từng lên kế hoạch trong tháng 11, trường sẽ đón sinh viên trở lại học tập trung tuy nhiên đến nay, do diễn biến của dịch vẫn phức tạp, số ca nhiễm đang tăng cao nên nhà trường chưa thực hiện học tập trung trở lại. Theo khảo sát của nhà trường, hiện có khoảng 80% sinh viên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.
Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM vẫn duy trì cho sinh viên năm cuối trở lại trường để hoàn thành đồ án, khóa luận tốt nghiệp, tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vaccine, tuân thủ 5K.
Theo ghi nhận của Lao Động, các trường đa số đều đã lên phương án đón sinh viên học tập trung trở lại sau thời gian học trực tuyến. Tuy nhiên, điều mà các trường băn khoăn nhất là số lượng sinh viên chưa tiêm hoặc tiêm vaccine COVID-19 chưa đủ 2 mũi còn khá nhiều và phần lớn ở các địa phương.
PGS-TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho hay, việc cho phép sinh viên đi học lại còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như diễn biến dịch bệnh, tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19. Dự kiến, nhà trường phấn đấu cho học sinh trở lại trường vào đầu học kỳ II.
Theo kế hoạch dự kiến của Đại học Đà Nẵng, phải đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, các trường đại học thành viên mới có thể đón toàn bộ sinh viên quay lại học tập trung. Trước mắt, từ nay cho đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, các trường cho những nhóm nhỏ sinh viên, lưu học sinh, học viên được đến lớp học thí nghiệm, thực hành, phục vụ việc tốt nghiệp. Các trường phải phối hợp với các cơ quan y tế xây dựng phương án phòng, chống dịch cụ thể, trong đó có tình huống F0 trong cơ sở đào tạo, trước khi cho sinh viên tập trung trở lại.
Nhiều áp lực khi học trực tuyến
Dịch COVID-19 đang khiến sinh viên chịu áp lực tâm lý, đặc biệt là trong bối cảnh phải học online kéo dài. Trong một nghiên cứu mới được công bố về sự tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên trong hệ thống do Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Kết quả khảo sát từ 37.150 sinh viên cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu thì vấn đề áp lực học tập trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Sinh viên có xu hướng lo lắng về việc này, cả vì lý do trang thiết bị và căng thẳng liên quan đến đại dịch.
Tiếp đến còn vì sự mất đi nền nếp của trường học cùng những khoản hỗ trợ chính thức hoặc không chính thức, cũng như đặc biệt lo lắng về sự an toàn khi phải sống trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn hoặc nguy hiểm.
Khảo sát đã ghi nhận sự thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt là vấn đề mà đa số các sinh viên mắc phải (chiếm 56,8%). Bên cạnh đó là tỉ lệ sinh viên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều (chiếm 56,2%).
Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát thừa nhận đã cảm thấy bản thân nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của bản thân trong thời gian dịch bệnh…
HUYÊN NGUYỄN
Nhận xét
Hãy để bình luận của bạn tại đây nhé!